Ôn lại truyền thống 20.11

                          ÔN TRUYỀN THỐNG   42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
         Chào mừng kỉ niệm 42 ngày nhà giáo Việt Nam. Hôm nay ngày 20.11 trường TH Tân Hiệp tổ chức họp mặt ôn lại truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam và các hoạt động trải nghiệm Stem, Các trò chơi dân gian, đánh bóng chuyền.
      Ở nước ta, nghề dạy học có từ rất sớm, gắn liền với 4000 năm văn hiến, là một bộ phận quan trọng tạo nên nền văn hóa Việt Nam. Nghề dạy học có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống, xã hội con người, các nhà giáo đã được nhân loại thừa nhận: “không có một vĩ nhân, một anh hùng nào trên đời này không qua bàn tay bế ẵm và sự dạy dỗ của người mẹ, thì trên trái đất này không có một vĩ nhân một anh hùng nào lại không có bàn tay dìu dắt dạy dỗ của người thầy giáo”.
        Lịch sử ngày nhà giáo Việt Nam khởi đầu bằng một sự kiện lịch sử. Đó là vào tháng 8 năm 1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại VacSaVa (Ba Lan) đã thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo” và quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”. Nghị quyết của hội nghị được phổ biến nhanh chóng đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lí giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20/11/1958, ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức tại miền Bắc nước ta. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 hằng năm đã được tiến hành trên cả nước. Ngày 20-11 dần khắc sâu vào tình cảm, trí nhớ của mọi người thành hành động chủ động, tự giác của mọi tầng lớp nhân dân được tổ chức đều đặn hàng năm. Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.
        Truyền thống Nhà giáo Việt Nam là niềm tự hào, là ý thức trách nhiệm của đội ngũ những người thầy đã được hình thành, vun đắp và phát triển trong tiến trình lịch sử tạo nên những truyền thống tốt đẹp. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong từng trang sử dân tộc hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách, hình ảnh những người vợ, người mẹ tần tảo sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử sôi kinh, và đặc biệt là những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học. Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như thế: đó là thầy Sư Vạn Hạnh – người đã có công nuôi dạy và dìu dắt Lý Công Uẩn trở thành một vị vua anh minh lỗi lạc. Chính Lý Công Uẩn là người đã ra chiếu dời đô về đất Thăng Long và mở ra một kỉ nguyên phát triển phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Không những vậy, ông còn là người đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc giáo dục của đất nước Đại Việt bằng cách lập nên Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên năm 1070. Đó là thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) – người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là các bậc thầy cao quý như thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy dạy rất nghiêm, sáng tác nhiều bài thơ để giáo dục học trò, phương pháp sư phạm của thầy luôn khuyến khích học trò tự động não, tự tìm ra cách giải quyết thích hợp nhất. Thầy Lê Quý Đôn được mọi người biết đến với những công trình văn hoá, văn học xuất sắc và ông còn nổi tiếng là một nhà nho, một nhà giáo dục có đức độ, tài năng. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn – tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc, trước lúc bắt đầu hoạt động cách mạng của mình để tìm đường cứu nước, đã có một thời kỳ dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sự kiện này đã trở thành một vinh dự lớn cho Giáo giới Việt Nam ngày nay. Sau này khi ở Pháp, ở Liên Xô, ở Trung Quốc và Thái Lan hay ở chiến khu Việt Bắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng dạy học – dạy văn hóa để dạy chính trị cho những đồng chí công tác gần gũi mình. Còn biết bao các nhà giáo tâm huyết đã trở thành lãnh tụ hoặc cán bộ lãnh đạo xuất sắc của cách mạng như các đồng chí: Châu Văn Liêm, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp….
          Sau cách mạng tháng 8/1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH, Đáp lời kêu gọi của non sông đất nước, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngàn nhà giáo từ khắp mọi miền đất nước đã lên đường vào Nam, vừa dạy học vừa cầm súng chiến đấu, xây dựng nền giáo dục cách mạng và đã có 621 nhà giáo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tất cả ở những nhà giáo đều có những điểm chung là ra đi khi tuổi đời rất trẻ, nhiều người chưa đến tuổi 30, đã dâng hiến cả trí tuệ, tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Những nhà giáo đã không còn trở về với bục giảng, với giảng đường đại học, nhưng khí tiết của những con người đó, của những nhà giáo đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp giáo dục nước nhà sống mãi ngàn thu với non sông đất nước.
        Những người thầy đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân nước Việt. Có những thầy cô đã an nghỉ, có những người tóc đã bạc trắng, có những người đang cùng học trò tíêp tục cuộc hành trình kiếm tìm chân lý mà các thế hệ trước còn dang dở. Nhưng, những con người đó đã tạo nên những nét đẹp về nhân cách, phẩm chất đạo đức cao cả của người thầy, được nhân dân tôn vinh và quý trọng từ xưa đến nay trong truyền thống dân tộc. Kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, ôn lại truyền thống để chúng ta hiểu rằng xây dựng và đào tạo con người là yếu tố hết sức quan trọng và càng thấm nhuần quan điểm của Đảng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song để có con người hoàn thiện thì không thể thiếu đội ngũ những người thầy. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà đội ngũ người thầy giữ vai trò quyết định đối với mỗi người và cộng đồng dân tộc.
      Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ thầy cô giáo trường TH Tân Hiệp đã và đang tiếp tục bồi dưỡng những tài năng trẻ, bằng nhân cách và trí tuệ của mình góp phần quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ ngày càng phát triển toàn diện, xứng đáng là thế hệ Hồ Chí Minh, nối tiếp truyền thống cha ông xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Những thành tựu mà ngành GD-ĐT đạt được hôm nay chính là nhờ lớp lớp thầy cô giáo của bao thế hệ đã tận tình tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam để chúng ta học tập và phát huy. Chúng ta rất tự hào, trân trọng và biết ơn đối với các thầy cô giáo lão thành đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người. Sự tỏa sáng, lòng nhiệt huyết và tài năng của các nhà giáo lão thành là chỗ dựa tin cậy cho thế hệ nhà giáo trẻ tuổi hôm nay noi theo bằng tất cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của mình đối với nghề dạy học, bằng tài năng sư phạm, bằng sức sáng tạo không ngừng đội ngũ thầy cô giáo sẽ ươm trồng nên những mầm xanh cho quê hương đất nước. Tìm hiểu và học tập những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam là nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên tiếp tục phát huy những truyền thống ấy, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.               Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.
       Thay mặt BCH CĐ và BGH chúc các thầy cô giáo sẽ luôn luôn giữ được ngọn lửa yêu nghề và truyền tải nó đến các thế hệ học sinh. Chúc các thầy cô một ngày lễ thật ý nghĩa và ấm áp.
Sau đây là 1 số hình ảnh
Có thể là hình ảnh về 5 người
Có thể là hình ảnh về 9 người, đồ chơi trẻ em và văn bản
Có thể là hình ảnh về 6 người