Tuyên truyền phòng Bệnh Tay – Chân – Miệng

Triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn ủ bệnh tay – chân – miệng từ 3-7 ngày; giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày; giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt), phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm), sốt nhẹ, nôn, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh; giai đoạn lui bệnh từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Ở thể lâm sàng tối cấp, bệnh diễn tiến rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Ở thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

          Bệnh tay – chân – miệng được phân loại lâm sàng theo 4 cấp độ và tương đương là 4 cấp độ điều trị. Độ 1: bệnh nhân chỉ loét miệng hoặc tổn thương da, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Bệnh nhân phải được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ; hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ, vệ sinh răng miệng; nghỉ ngơi, tránh kích thích.

          Độ 2 được chia thành 2 cấp độ: độ 2a và độ 2b. Độ 2a: bệnh nhân sốt cao từ 39OC trở lên; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Bệnh nhân từ độ 2a trở lên phải điều trị nội trú tại bệnh viện và được theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu chuyển độ. Độ 2b: bệnh nhân giật mình, bệnh sử có giật mình ≥  2 lần/30 phút kèm ngủ gà, mạch nhanh trên 150 lần/phút, sốt cao từ 39OC trở lên không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc bị run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, rung giật nhãn cầu, lác mắt, yếu chi/liệt chi, liệt thần kinh sọ. Bệnh nhân phải được nằm đầu cao 30O; thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút; hạ sốt nếu có sốt; sử dụng các nhóm thuốc Phenobarbital, Immunoglobulin theo chỉ định của thầy thuốc; theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở…

          Độ 3: mạch nhanh > 170 lần/phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; huyết áp tăng; thở nhanh, thở bất thường; rối loạn tri giác; tăng trương lực cơ. Bệnh nhân phải chuyển sang điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực. Bệnh nhân phải được thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút và đặt nội khí quản giúp thở sớm khi thất bại với thở oxy; chống phù não; điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, toan kiềm, điều trị hạ đường huyết; theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi…

          Độ 4: bệnh nhân có biểu hiện sốc, phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc. Bệnh nhân được điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực. Bệnh nhân phải được đặt nội khí quản thở máy; chống sốc; đo và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương; điều chỉnh rối loạn kiềm toan, điện giải, hạ đường huyết và chống phù não…

          Để phòng bệnh tay – chân – miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Khi trẻ bị bệnh, cách ly trẻ tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

(Trích dẫn nguồn: t5g.org)